Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cân nhắc kỹ việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 36, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.

Về vấn đề này, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục đề nghị quan tâm đến ý kiến của Ủy ban khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002) và thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (năm 2012). Mặc dù, trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật; từ phía người lao động bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến.

Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động. Đáng quan tâm hơn, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày) là vấn đề cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm... Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi rà soát lại lịch sử của vấn đề này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm nhất quán không tăng thời gian làm thêm, dù nhu cầu là có thật. Việc làm thêm giờ luôn đặt ra khi sửa đổi Bộ luật Lao động. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi trải thảm đỏ đầu tư, sản xuất gia công cho nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia nên có nhiều đơn hàng lớn, sử dụng lao động nhiều. Thời điểm đó, trình độ lao động của ta rất thấp. Các cơ quan khi đó tranh cãi gay gắt giữa giới chủ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và giới thợ là Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Quốc hội đã bàn kỹ và thống nhất thời gian làm thêm giữ nguyên như năm 1994 là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Khi sửa đổi Bộ luật lao động năm 2012, doanh nghiệp gây sức ép rất lớn, đòi tăng lên 300 giờ, thậm chí 600 giờ, có hiệp hội ngành nghề đòi tăng 700-800 giờ/năm, rất cao so với Chính phủ trình. Như hiện nay đề nghị tăng lên 400 giờ/năm.

Cho rằng, Luật hiện hành chưa chỉ ra nguyên nhân chính ở đâu, luật quy định là vậy nhưng vi phạm nhiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, “doanh nghiệp muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng thêm chi phí đầu tư cho mở rộng sản xuất và chi phí thuê thêm người lao động, đó là bóc lột người lao động. Người lao động làm thêm giờ có thực sự được hưởng lương làm thêm giờ như luật không, vì đa số doanh nghiệp trả lương cho người lao động theo đơn giá sản phẩm, nên dù có làm thêm giờ, dù thêm tiền cũng không thêm giá trị làm thêm giờ”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nhìn lại lịch sử công đoàn, cả thế giới đều đấu tranh tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao đời sống người lao động cả về vật chất và tinh thần. Còn người sử dụng lao động thì muốn tranh thủ, tận dụng người lao động. Người lao động luôn ở thế yếu, nên cần vai trò của Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đánh giá sâu về nguyên nhân, về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra quy định về chế độ tiền lương, cơ chế trả lương để hai bên người lao động và sử dụng lao động thương lượng có hiệu quả.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo