Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cán bộ, đảng viên phải biết “tự soi, tự sửa”

Đồng chí Tô Đại Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, báo cáo ở hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị do Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công thương tại TPHCM tổ chức. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Toàn Đảng ta đang tích cực triển khai thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”, theo tinh thần Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Thực ra tinh thần này đã được nhắc đến từ nhiệm kỳ trước. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (tháng 10/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa). Việc tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, tự gột rửa các hạn chế của bản thân không chỉ để tự hoàn thiện mình, tự nâng mình lên mà còn lan tỏa đến những cá nhân khác và giúp cho tổ chức mà mình là thành viên trở nên trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn…

Việc “tự soi, tự sửa” thực tế không hề dễ dàng. Có một số người không cho rằng mình có sai lầm, khuyết điểm nên không tự soi và vì thế không tự giác sửa chữa, nếu có sửa chữa theo yêu cầu của tổ chức, của cấp trên mà không chủ động thì kết quả của việc sửa chữa đó có thể không căn cơ và vì thế khuyết điểm, sai lầm vẫn còn đó hoặc chỉ thay đổi hình thức biểu hiện. Trong khi đó, lãnh tụ Lenin cho rằng, chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm, sai lầm, đó là đứa bé còn ở trong bụng mẹ, và người chết đã bỏ vào quan tài. Người nói rõ, có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm, sai lầm. Do đó, sự tự biện minh rằng mình không bao giờ có khuyết điểm rõ ràng không phải là thái độ cầu thị, mà không cầu thị thì không thể tiến bộ.

Bên cạnh đó, một số người không thật sự trung thực khi nói về các hạn chế, khuyết điểm của mình, hay quanh co khẳng định các sai sót là do “yếu tố khách quan”, do “điều kiện để lại”… chứ ít thừa nhận mình đã sai trái. Thay vì mạnh dạn thừa nhận khuyết điểm để khắc phục, để rút kinh nghiệm, thậm chí đó là cách để được giảm nhẹ hình thức kỷ luật, chế tài thì có không ít cán bộ, đảng viên đổ lỗi cho cấp dưới, viện dẫn quy định của cấp trên, quy hết cho trách nhiệm tập thể, chỉ chịu thừa nhận là “quá tin tưởng”, “thuận theo đa số”… hoặc cùng lắm là do “năng lực có hạn”. Sự không thẳng thắn đó có thể làm cho người mắc khuyết điểm tránh hoặc hạn chế được hình thức kỷ luật nhưng khó làm cho họ thực sự tiến bộ.

Trên Báo Nhân dân ngày 20/5/1951 trong bài Tự phê bình, Bác đã viết: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”. Người cũng nhắc nhở: “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”. Do vậy, không trung thực trong nhận khuyết điểm thì không thể sửa chữa khuyết điểm.

Sự “tự soi, tự sửa” cần có sự giúp đỡ của tập thể, của đồng chí, đồng nghiệp, trên tinh thần “thương yêu lẫn nhau” như Bác Hồ đã dạy. Nếu nơi nào có hiện tượng phê bình là “đập cho chết” thì rõ ràng không thể khuyến khích người mắc lỗi trung thực thừa nhận (tức không dám “tự soi”) và mạnh dạn sửa chữa. Do đó, việc đánh giá khuyết điểm và các cách khắc phục phải được nhìn nhận có lý có tình, có xét đến cả mặt khách quan lẫn chủ quan, phải quan tâm đúng mức yếu tố lịch sử cụ thể. Việc tập thể truy tìm khuyết điểm của một cá nhân phải được xem xét ở khía cạnh là không chỉ vì cá nhân đó mà còn vì cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí thuyết phục những cá nhân khác. Còn cứ chăm chăm truy tìm để “tận diệt” thì khuyết điểm sẽ không những không hết khuyết điểm mà sẽ còn được che giấu tinh vi hơn.

Dĩ nhiên, sự nhìn nhận và khắc phục khuyết điểm còn phụ thuộc vào các quy định của tổ chức cũng như vai trò của người đứng đầu. Tổ chức nào (chi bộ, đơn vị, cơ quan…) có biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên tốt, có sự kiểm tra, giám sát hữu hiệu thì dẫu có người muốn tránh né khuyết điểm cũng không thể, do đó họ sẽ tự giác thừa nhận. Chính điều này làm khuyết điểm không kéo dài và tránh được những hậu quả nghiêm trọng, tránh lây lan, tránh thiệt hại nặng cho bản thân người vi phạm và cho tổ chức. Bản thân người đứng đầu phải có quan điểm tích cực và đúng đắn trong vấn đề tự phê bình và phê bình để một mặt tìm ra được khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp một cách “tâm phục khẩu phục”, mặt khác giúp họ tiến bộ hơn, giúp người khác tránh mắc sai lầm tương tự. Người đứng đầu phải luôn làm gương trong việc tự rèn luyện, tu dưỡng, thực sự “tự soi, tự sửa” và luôn biết tạo điều kiện để tập thể do mình quản lý, lãnh đạo luôn tự rèn luyện, tu dưỡng. Tức là, người đứng đầu không tự giác “tự soi” và “tự sửa” thì không thể yêu cầu người khác “tự soi”, “tự sửa”!

Cuối cùng, việc “tự soi, tự sửa” phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cá nhân phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy định của pháp luật… Việc thực hiện nghiêm kỷ luật sẽ tự bộc lộ ai có khuyết điểm, ai cần phải sửa; còn nếu xuê xoa, thỏa hiệp nhau, kiểu “nhẹ người nhẹ ta” thì sẽ không ai thấy có lỗi để mà sửa chữa. Đồng thời, các hình thức xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, nghiêm minh, tránh “giơ cao đánh khẽ”, “nhẹ trên nặng dưới” hoặc để vụ việc dai dẳng, kéo dài khiến tính giáo dục, thuyết phục, răn đe bị hạn chế.

Bác Hồ đã dạy, việc tự gột rửa, tự sửa chữa của mỗi cán bộ, đảng viên phải là việc làm thường xuyên, liên tục, như rửa mặt hàng ngày. Phải chú ý khắc phục từ khuyết điểm nhỏ, không để nó lớn thành lỗi, thành sai phạm. Có như vậy mới tránh được những sai lầm nghiêm trọng!

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo