Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bố trí thời gian thực hiện chương trình học trực tuyến phù hợp và không gây áp lực đối với học sinh

Bố trí thời gian thực hiện chương trình học trực tuyến phù hợp và không gây áp lực đối với học sinh

(Thanhuytphcm.vn) - Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận huyện, hiệu trưởng các trường phổ thông có cấp tiểu học về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021 - 2022 và một số lưu ý trong việc tổ chức dạy học trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, đối với lớp 1, 2, giáo viên cần nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa (SGK) để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Ưu tiên tổ chức dạy học đối với các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh tự học tại nhà với sự hỗ trợ của phụ huynh. Bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh, đảm bảo cuối năm học đạt được yêu cần cần thiết theo quy định của chương trình.

Đối với lớp 3, 4, 5, trường học tổ chức rà soát lại nội dung chương trình, SGK, mức độ cần đạt của từng khối lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, nhất là ở những địa bàn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thực hiện tinh giản nội dung để tập trung giúp học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học, tinh giản những nội dung có trong SGK nhưng vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng lớp, tinh giản các nội dung trùng lặp trong cùng môn học và giữa các môn học. Tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình.

Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế. Cơ sở giáo dục tiểu học phải xây dựng, tổ chức thực hiện và điều chỉnh kế hoạch giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đảm bảo khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, trường học sẽ tập trung thời gian dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho học sinh trước khi thực hiện dạy học nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT lưu ý cơ sở giáo dục tiểu học không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản, các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học. Riêng đối với các bài đã chuyển thành tự chọn, giáo viên có thể tổ chức dạy học nhưng không kiểm tra, đánh giá.

Đối với việc xây dựng thời khóa biểu dạy học trên môi trường internet, cơ sở giáo dục xây dựng thời khóa biểu phù hợp với sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh, trong đó mỗi tiết học chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 20 - 25 phút, mỗi buổi học không quá 4 tiết học. Giữa hai tiết học phải thiết kế thời gian nghỉ từ 5 - 7 phút cho học sinh thực hiện các hoạt động vận động, thư giãn.

Về cách thức tổ chức dạy học trong thời gian tổ chức dạy học trên môi trường internet, đối với học sinh lớp 1, 2 cần khai thác các nội dung dạy học trên truyền hình, video clip đã ghi hình, không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi học sinh đi học trở lại, trường học sẽ tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, các trường xác định tổ chức dạy học trên môi trường internet là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video clip đã ghi hình là bổ trợ, ưu tiên các lớp cuối cấp. Chú trọng phân bổ thời gian dạy học trên môi trường internet cho các hoạt động trọng tâm như giới thiệu kiến thức mới, giải đáp thắc mắc, đặt câu hỏi, tổ chức các hoạt động tương tác với học sinh… Giáo viên hạn chế sử dụng thời gian dạy học trên môi trường internet để yêu cầu học sinh viết bài hay làm bài tập vào vở. Các nội dung cần ghi chép hoặc bài tập có thể giao cho học sinh khi kết thúc thời gian dạy học trên môi trường internet, học sinh có thể thực hiện vào các khoảng thời gian khác trong ngày.

Giáo viên tổ chức các hoạt động đa dạng cho học sinh tham gia thực hiện, khuyến khích tổ chức các hoạt động không bắt buộc học sinh phải quan sát tập trung trong thời gian dài trên màn hình hoặc các thiết bị kỹ thuật số. Ngoài ra, giáo viên có thể khai thác sử dụng các kênh học liệu để làm giàu thêm cho nội dung bài giảng như: chuyên mục “Dạy tiếng việt lớp 1” của Bộ GD-ĐT trên kênh VTV7, chuyên mục “lớp 1 vui học” và “ lớp 2 chăm ngoan” do Sở GD-ĐT phối hợp Đài truyền hình TP thực hiện, phát sóng trên các kênh HTVC, SCTV…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo