Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

65 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc

Biểu tượng đẹp của tình cảm Bắc - Nam ruột thịt

ảnh tư liệu HSMN

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 1954, sau khi hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, thực hiện hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, Đảng và nhà nước đã đưa hàng vạn cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Cùng với việc chuyển quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã lựa chọn một số con em cán bộ, gia đình chính sách... đưa ra Bắc để bảo vệ, nuôi dạy. Đây là những "hạt giống đỏ" của miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp của đất nước sau này.

Cuộc dịch chuyển lịch sử của hơn 32.000 học sinh miền nam

Với chủ trương này, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định xây dựng 28 trường nội trú để tập trung, nuôi và dạy số con em này của đồng bào miền Nam. Hệ thống các trường học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc được ra đời.

Năm 1954, HSMN ra Bắc chủ yếu bằng đường biển do Liên Xô và Ba Lan vận chuyển giúp, một bộ phận học sinh từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đi bộ ra Nghệ An, Thanh Hóa. Trong số 28 trường, có một trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số, một trường dành cho con em người Việt gốc Hoa. Sau năm 1968, khi Trung ương nhận định chưa thể kết thúc chiến tranh ngay nên từ năm 1968-1975, đã đưa tiếp khoảng 10.000 con, em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc nuôi dưỡng, dạy dỗ nhằm bổ sung cho đội ngũ cán bộ miền Nam sau ngày giải phóng. Từ năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với miền Bắc ngày càng trở lên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định chia nhỏ các trường HSMN, sơ tán về các địa phương ở trung du miền núi như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn… và một số được gửi sang Quế Lâm (Trung Quốc).

Bìa cuốn sách “HSMN - tư liệu và kỷ niệm” của HSMN tại Vĩnh Yên - Tam Đảo Bìa cuốn sách “HSMN - tư liệu và kỷ niệm” của HSMN tại Vĩnh Yên - Tam Đảo

Giai đoạn từ 1954-1975, là giai đoạn miền Bắc vô cùng khó khăn: vừa xây dựng và bảo vệ miền Bắc, vừa tập trung chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam. Mặc dù vậy, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ vẫn dành cho HSMN những điều kiện tốt nhất về ăn, ở, học tập. Nhân dân miền Bắc vẫn dành sự cưu mang, đùm bọc chân thành nhất các thế hệ HSMN. Nhờ đó, hơn 32.000 HSMN từ Bến Hải (Quảng Trị) đến Cà Mau đều khôn lớn, trưởng thành và đã có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, phần lớn HSMN đã được tiếp tục đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Một số theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trở về miền Nam trực tiếp chiến đấu giải phóng quê hương. Rất nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, những nhà văn, nhà thơ, những nhà chính trị, kinh tế... góp phần cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Và cũng rất nhiều người đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam.

Các HSMN trên đất Bắc trong một lần hội ngộ Các HSMN trên đất Bắc trong một lần hội ngộ

Sau ngày miền Nam giải phóng 10 năm, từ năm 1986 trở đi, phần lớn các Bí thư, Chủ tịch, Giám đốc Sở của tỉnh, thành phía Nam chủ yếu đều là các HSMN trên đất Bắc. Từ mái trường HSMN đã có rất nhiều người để lại dấu ấn trong lịch sử như những: Nguyễn Văn Bảy, Đồng Văn Đe, Lâm Văn Lích… oai hùng trên bầu trời, những Trà Giang, Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân, Lâm Tới, Diệp Minh Tuyền, Cao Tự Thanh… xuất sắc trong làng văn hóa văn nghệ. Họ - lớp trước lớp sau, chính là hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu của HSMN trên đất Bắc. Hiện tại, nhiều HSMN vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình...

ảnh tư liệu HSMN ảnh tư liệu HSMN

Một mô hình giáo dục, dù chỉ tồn tại 21 năm (1954–1975), nhưng các trường HSMN trên đất Bắc được đánh giá là đã góp phần đào tạo hàng chục nghìn người con ưu tú đáp ứng yêu cầu cung cấp cán bộ, nhân tài cho các ban ngành, địa phương của miền Nam và trên cả nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: "Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó".

Nặng nghĩa thâm tình…

Thời gian đã lùi xa càng khẳng định thêm giá trị: trường HSMN trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu hiện đẹp đẽ của tình cảm Bắc - Nam ruột thịt.

Ông K’sor Phước, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, một HSMN trên đất Bắc chia sẻ tại một cuộc gặp mặt của HSMN Ông K’sor Phước, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, một HSMN trên đất Bắc chia sẻ tại một cuộc gặp mặt của HSMN

Mô hình trường HSMN trên đất Bắc được đánh giá như một hiện tượng lịch sử đặc biệt về giáo dục. Trường HSMN là loại hình trường nội trú, đào tạo học sinh một cách toàn diện: đức, trí, thể, mỹ; thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn nhằm đào tạo con người "vừa hồng, vừa chuyên" như Bác Hồ đã dạy. Giáo dục gắn với thực tiễn, sáng đến lớp, chiều đi làm ruộng với bà con, không có việc gì mà học sinh không làm. HSMN coi việc học, rèn luyện là nhiệm vụ, trách nhiệm trước đồng bào của mình đang chiến đấu hy sinh ở quê hương để cho họ được học tập, rèn luyện. Chính vì vậy, HSMN giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, trọng tình bạn, đoàn kết, thực hiện kỷ luật nghiêm, gắn bó keo sơn và trung thành với Đảng, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Thầy gắn với trò; thầy yêu thương trò, đó là một nguyên lý giáo dục cốt lõi của trường HSMN trên đất Bắc. Thầy cô trường HSMN vừa là thầy, vừa là cha, là mẹ, dành tất cả cho học sinh. 

Ông Huỳnh Văn Thòn, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, nay là Tập đoàn Lộc Trời - thương hiệu nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, người từng được phong danh hiệu “Anh hùng lao động”, Trưởng Ban liên lạc HSMN trên đất Bắc rất tự hào về mô hình giáo dục toàn diện: đức - trí - thể - mỹ, đề cao nhân cách con người. Nhờ thế đã tôi luyện ra một thế hệ HMMN trên đất Bắc luôn sống trung thực, nghĩa tình và tận trung với Đảng, khắc phục được những thiếu sót của giáo dục hiện nay. “Đồng bào miền Bắc khi ấy bữa cơm rất thiếu thốn nhưng HMSN chúng tôi lúc nào cũng được nhường miếng ngon, ăn no, mặc ấm. Những nghĩa tình, trí tuệ, phẩm chất được rèn giũa trong trường là động lực, nhân tố quan trọng giúp nhiều HSMN vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ và cũng nhấn mạnh rằng: “HSMN luôn nhớ trong tim ân tình của đồng bào miền Bắc, vì thế dù làm kinh tế hay làm cán bộ, đều luôn sống giản dị, muốn cho đi nhiều hơn là nhận lại, để trả nợ ân tình mà chúng tôi luôn mang theo”.

Nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân cũng chia sẻ: "Ngày ấy, nhân dân miền Bắc mới được giải phóng, vừa cải cách ruộng đất, vừa khôi phục hòa bình, đời sống còn nhiều khó khăn. Nông dân còn đang đói. Khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải dỡ lên ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà chúng tôi có tất cả để ăn học nên người"- ông  nhớ lại. Còn GS Lê Du Phong xúc động cho biết: “Có người trước khi trút hơi thở cuối cùng, đã dặn dò anh em rằng hãy ghi trên bia mộ tôi là HSMN”.

Trong những ngày bận rộn cuối năm 2019, đại diện 32.000 HSMN trên đất Bắc năm nào đã tề tựu tại Hà Nội để ôn lại những năm tháng nặng nghĩa thâm tình. Những người học trò từ phương Nam xa xôi ngày ấy đã có dịp cùng nhau về nguồn để thăm, giao lưu với Nhân dân các địa phương trước đây trường học đóng quân; đã gặp gỡ, tri ân các thầy giáo, cô giáo của mình. Cuộc gặp gỡ đầy ắp kỷ niệm một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ với việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng lại miền Nam khi nước nhà được hòa bình, thống nhất. Cũng thêm một lần khẳng định công lao to lớn của đồng bào miền Bắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam nói chung, đối với việc đùm bọc, chăm sóc, nuôi dưỡng các thế hệ HSMN nói riêng…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo