Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bài 3: Thực hiện đồng bộ các giải pháp chống ngập

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang được triển khai xây dựng nhằm giúp giảm ngập cho TP.

(Thanhuytphcm.vn) - Để giải quyết bài toán chống ngập cho TPHCM, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, TP cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp chống ngập và phải có người “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm về công tác chống ngập.

Xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước

Tại cuộc họp về chương trình giảm ngập nước trên địa bàn TP mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: Hiện nay, công tác xử lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xâm hại đến hệ thống thoát nước, cửa xả, hầm ga, cống thoát nước, rác thải xuống kênh mương, lấp bít các miệng thu nước của cống thoát nước chưa kịp thời, còn chậm, kém hiệu quả. Điều này cho thấy, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan về lĩnh vực thoát nước, trong đó trách nhiệm chính là chính quyền địa phương vẫn còn yếu kém, hạn chế, thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu UBND các quận, huyện nâng cao trách nhiệm, tập trung ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng xâm hại, lấn chiếm hệ thống thoát nước, san lấp kênh, rạch; ưu tiên giải quyết ngay các điểm thắt nút cổ chai; phối hợp với Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP triển khai công tác duy tu, nạo vét, khơi thông dòng chảy của các kênh, rạch, cống thoát nước đồng bộ, hiệu quả để tăng khả năng thoát nước. Sở Giao thông Vận tải TP chủ trì, phối hợp với Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, tham mưu UBND TP giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước trong thời gian tới.

Còn theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, để giải quyết ngập nước mang tính lâu dài, trong giai đoạn 2018 - 2020, TP cần tập trung giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm để khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho các dòng chảy đưa nước ra các dòng sông giúp giảm ngập cho TP. Đồng thời, quy hoạch làm hồ điều tiết nước ở quận Thủ Đức, Quận 2 để có hồ chứa đảm bảo khi lượng mưa lớn có thể chứa nước.

Liên quan đến vấn đề quản lý tình trạng san lấp hệ thống kênh rạch để xây dựng các công trình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Võ Khánh Hưng cho biết: Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng TP khi có những dự án về vấn đề san lấp thì Sở Giao thông Vận tải đều có ý kiến về vấn đề thỏa thuận. Sau đó, Sở lập danh sách chuyển cho Sở Xây dựng TP đề nghị đi kiểm tra việc thực hiện có đúng hay không.

Bên cạnh việc xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, rạch tạo lối thoát nước cho TP, một số ý kiến đề nghị TP triển khai các giải pháp như xây hồ điều tiết trữ nước vào mùa mưa, cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước… Ông Nguyễn Trung Việt, Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM cho rằng: Để giải quyết ngập nước, TP cần cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước theo quy hoạch; xây dựng hệ thống hồ điều hòa nhiều chức năng theo quy hoạch; xây dựng hệ thống đê, cống ngăn triều và hệ thống trạm bơm nước thải theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng hệ thống bể, hồ chứa nước mưa với quy mô khác nhau, từ nhỏ (hộ gia đình, công trình dân dụng,…) đến lớn (hồ chứa, công viên,…), từ riêng lẻ đến hệ thống (chuỗi); nạo vét và tăng độ sâu hệ thống kênh rạch.

Mặt khác, tăng thêm các tuyến kênh mới; xây dựng các vùng cây xanh và tăng diện tích thấm nước. Song song đó, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát thải cacbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tuyên truyền ý thức cho người dân; kiểm soát chặt chẽ và chế tài việc đổ chất thải vào mạng lưới thoát nước.

Còn PGS.TS Lê Huy Bá, Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM) khuyến nghị TP thực hiện giải pháp tạo những hồ điều tiết sâu 40cm - 50m dưới lòng đất để trữ nước; nghiên cứu ở những sân banh, vườn hoa công viên đào những hồ trữ nước vào mùa mưa. Đồng thời, xây dựng hệ thống đường ống thoát nước đủ lớn để trữ nước và thông thoát nước; kết hợp các quy hoạch đô thị một cách đồng bộ.

Một tuyến rạch gần cầu Ông Dầu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức chảy ra sông Sài Gòn bị rác phủ kín và tuyến rạch hai bên bị nhà dân xây lấn làm thu hẹp dòng chảy. Một tuyến rạch gần cầu Ông Dầu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức chảy ra sông Sài Gòn bị rác phủ kín và tuyến rạch hai bên bị nhà dân xây lấn làm thu hẹp dòng chảy.

Phải có người “nhạc trưởng”

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, để thực hiện mục tiêu chống ngập trong giai đoạn 2016 - 2020, TP triển khai một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể, nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM. Cùng với đó, hoàn thành đồ án quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại khu vực TPHCM; công tác lập, xác định mép bờ cao các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP và tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ kênh, rạch. Mặt khác, nghiên cứu, rà soát những vùng trũng thấp dễ bị ngập nước do mưa, triều cường để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành để trữ nước, tạo cảnh quan tự nhiên vùng ven. Đối với những khu vực nội thị nhưng cốt nền thấp phải có giải pháp gia cố, tăng cường khả năng thoát nước của hệ thống cống, kênh, rạch kết hợp hồ điều tiết, công viên đa chức năng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc san lấp rạch trong các dự án phát triển đô thị, kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ (không phải hồ cảnh quan) trước khi thực hiện san lấp.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình kiểm soát triều để quản lý ngập do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất việc bố trí các hầm trữ nước tại các dự án phát triển đô thị, cao ốc,… và cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư khi thực hiện hạng mục hầm trữ nước.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng: Trong các nhóm giải pháp chống ngập, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý hiệu quả quy hoạch là giải pháp quan trọng nhất, làm tiền đề để triển khai đầu tư xây dựng hiệu quả. Do đó, phải có người “nhạc trưởng” để phối hợp các quy hoạch (quy hoạch thủy lợi, thoát nước, quy hoạch cấp nước…) lại với nhau. Bởi vì, trong chống ngập nếu không phối hợp đồng bộ sẽ không giải quyết hiệu quả vấn đề; nếu không kết nối và làm cục bộ thì sẽ dẫn đến hạn chế hiệu quả và thậm chí không phát huy hiệu quả các công trình trong quy hoạch triển khai.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, việc tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị cũng là mục tiêu đã đặt ra trong chương trình giảm ngập của TP. Để đạt được mục tiêu này, ngoài giải pháp quy hoạch, đầu tư các hồ điều tiết phân tán và tập trung thì giải pháp nạo vét, chỉnh trang các tuyến kênh, rạch kết hợp với chỉnh trang đô thị cũng cần phải quan tâm thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, cần phải bảo tồn, giữ gìn các rạch hiện hữu. Do đó, nghiêm cấm và xử lý nghiêm, triệt để việc san lấp kênh, rạch trong các dự án xây dựng; trong trường hợp bất khả kháng, việc san lấp kênh, rạch cần phải được nghiên cứu rất kỹ khả năng thoát nước, trữ nước cho khu vực và có giải pháp thay thế hiệu quả. Ngoài ra, TP rà soát lại các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.

Chương trình giảm ngập nước là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM,  tin tưởng rằng, với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm của lãnh đạo TPHCM, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai các công trình, dự án, giải pháp chống ngập sẽ giúp TP hoàn thành những mục tiêu về giảm ngập nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đề ra, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Bài 2: Những công trình giảm ngập nước

Bài 1: Nhức nhối tình trạng ngập nước

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo