Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bác Hồ với Tết cổ truyền dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui Tết Nguyên đán Quý Mão với các cháu thiếu nhi Hà Nội tại Phủ Chủ tịch, ngày 27/1/1963 (Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Tháng 2/1941, khi Bác Hồ đã 50 tuổi, từ Quảng Tây (Trung quốc) vượt biên giới về Pắc Bó (Cao Bằng, Việt Nam) nhanh nhẹn tinh anh trong trang phục và dáng vẻ một ông già người Nùng. Ngày đó đúng vào dịp Tết Âm lịch, hoa Kim Anh nở trắng núi rừng.

Với Bác - nhà cách mạng chuyên nghiệp “xa nước 30 năm - một câu Kiều Người vẫn nhớ” (Chế Lan Viên) - nên Tết là dịp cho những người cách mạng thâm nhập quần chúng tốt nhất - mà sau này gọi là “công tác dân vận”.

Từ 80 năm trước đây, lúc đó các gia đình trong bản người biên giới Việt - Trung rất rộng lòng cho những thanh niên giác ngộ được tạm trú để học các lớp huấn luyện cách mạng. Người dân ở đó rất nghèo nhưng rất tốt. Đặc biệt họ luôn nhớ hình ảnh vào những ngày Tết có một “ông già” mặc bộ quần áo Chàm, đầu vấn khăn, nhanh nhẹn đi vào bản. Đến nhà ai, ông cũng mang theo một tờ giấy hồng điều có viết chữ “Cung chúc tân niên” đem lại sự trang trọng. Đây cũng là hình ảnh mà sau này các đồng chí cùng hoạt động với Bác năm xưa ấy thường kể lại như Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Dương Đại Lâm…

Việc thăm hỏi người già, cho quà trẻ nhỏ, tìm hiểu phong tục tập quán dân bản địa là việc Bác rất coi trọng, trở thành nếp tự nhiên - nhất là trong dịp Tết.

Vào năm 1946, một năm sau khi nước nhà độc lập, trên Báo Cứu quốc số 156 ra ngày 6/2 - tác giả Lôi Vũ đã có bài viết “Hồ Chủ tịch với 3 ngày Tết” có mấy đoạn đặc biệt:

“Tết mọi năm, thui thủi trên đất khách hoặc trốn tránh ở núi rừng, người chiến sỹ già đó bên lòng nặng nỗi đau thương, nào có biết Xuân là gì?...

Ba mươi Tết! Tối 30 đen như mực! Cụ Hồ như bó đuốc sáng, thình lình tới chúc Tết mấy nhà trong thành phố.

Thoạt đầu, vào nhà một cụ già. Cụ Từ Lâm bán sách ở Cửa Nam. Ông cụ rối rít chắp tay mừng bẩm Cụ ngồi, sau khi chúc cụ tăng thọ. Ra khỏi hiệu này, Hồ Chủ tịch tới cố vấn Vĩnh Thụy. Cố vấn đi vắng. Cụ tới thăm một nhà nghèo ngõ Hàng Đũa phố Sinh Từ. Trời tối om, đường mấp mô, nhưng Cụ vẫn bước lần tới cuối ngõ. Cúi mình bước vào gian nhà hẹp, leo lét ngọn đèn dầu lạc. Khi biết là vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì những người gặp Cụ cảm động chẳng biết nói gì. Họ bàng hoàng đến nỗi khi Cụ ra, họ quên cả tiễn chân Cụ. Cụ sang phố Hàng Lọng gõ cửa một nhà công chức nghèo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết ông, bà Trần Mộc Sinh, dân tộc thiểu số ở HTX Khe Cát, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, ngày 2/2/1965 (Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn) Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết ông, bà Trần Mộc Sinh, dân tộc thiểu số ở HTX Khe Cát, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, ngày 2/2/1965 (Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

Rồi người chiến sỹ già ấy muốn hưởng đầy đủ phong vị của những ngày Tết nên hồi gần 12 giờ, Cụ cũng áo quần chỉnh tề, đầu chít khăn, quần là hộp ra Đền Ngọc Sơn lễ lúc giao thừa. Cụ vui sướng lắm. Chen vai thích cánh với đồng bào…”.

Bài báo còn tường thuật dài nữa, chi tiết cụ thể thời gian 3 ngày thăm viếng, tiếp xúc với đủ thành phần bộ đội, công an, thương binh của Hồ Chủ tịch trong Tết độc lập, Tết kháng chiến, Tết kiến quốc. Một chuyến vi hành ấn tượng độc đáo.

Hình ảnh này, người dân Việt còn gặp lại khi Người về thăm Pắc Bó ngày 7 Tết Tân Sửu 1961 và mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 khi Người trồng cây ở đồi Vật Lại - Sơn Tây.

Hồ Chủ tịch gắn với dân, xem Tết như là cột mốc thời gian để đo độ trưởng thành của cách mạng. Người thường có thư và thơ mừng Xuân cho đồng bào. Dân tình chào đón, xem ý ngẫm lời chúc của Chủ tịch.

Năm 1947, cả nước bước vào chiến tranh, cũng là Tết kháng chiến đầu tiên. Bài thơ “Chúc mừng năm mới” của Người xuất hiện kịp thời như một lời hiệu triệu:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng,

Tiến lên chiến sỹ, tiến lên đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi

Thống nhất - Độc lập - Nhất định thành công”

Vui nhất là sau chiến thắng quân Pháp ở đèo Bông Lau - Sông Lô trong chiến dịch Thu - Đông, Tết Mậu Tý 1948, quân và dân ta ăn Tết tận đến rằm tháng Giêng. Không khí ấy tạo thi hứng để Bác Hồ có hai câu chữ Hán trong bài “Nguyên tiêu:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

(Giữa dòng bàn bạc việc quân. Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền).

Như thành lệ, mỗi độ Xuân về, Bác đều có thơ mừng năm mới “Mấy dòng nôm na” ấy có khi Người đọc trong hội nghị, có khi được thu âm rồi phát qua Đài phát thanh. Sau này nhiều bài được thể hiện qua giọng ngâm của các nghệ sỹ Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết…

Một nét mỹ tục, dư vị Tết, hôm nay ta tưởng nhớ tới Người!

Trần Đình Việt


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo