Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

75 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Chứng kiến cảnh tượng đó, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào. Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong một cuốn sách có tên gọi “Ký ức về Solferino”. Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.

Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). Năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế thành lập. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải đứng trước tình thế hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam.

Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp làm việc với đại biểu Ban Vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng Thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhấtdiễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tại đây, Hội Hồng Thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người cũng là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng. Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng.

Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hầu hết các hội viên Hồng Thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương.

Từ năm 1955 - 1975, Hội hoạt động trong bối cảnh cả nước đang tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội viên tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, vận động trồng cây thuốc Nam, trợ giúp nhân đạo, tiếp nhận hồi hương kiều bào, vận động giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn Mỹ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh. 

Đặc biệt, vào ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã gửi công hàm đến Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, tuyên bố gia nhập bốn Công ước Genève 12/8/1949. Với việc ký tham gia Công ước này, ngày 4/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Kể từ đó đến nay, ở mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn thực hiện tốt sứ mệnh của một thành viên trong Phong trào, góp phần xây dựng tổ chức thành Hội quốc gia vững mạnh trong khu vực và quốc tế.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III diễn ra ngày 15/12/1965, Hội Hồng Thập tự Việt Nam chính thức đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. 

Năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân; quét sạch bóng quân thù xâm lược và bè lũ tay sai, bán nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội mới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực phát triển tổ chức, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của Hội, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ngày 31/7/1976, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sau chiến tranh, các cấp Hội tập trung chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, tham gia cứu trợ, vận động quyên góp gạo giúp đỡ đồng bào thiên tai, tu sửa, xây mới cầu, tôn tạo đường làng ngõ xóm, sửa chữa phòng học, trạm y tế…

Ngày 7/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội và mở ra thời kỳ phát triển mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. 

Ngày 10 - 12/3/1988, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã đề ra Chương trình hành động 5 năm 1988 - 1993 gồm 4 nội dung chính: Củng cố phát triển Hội, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần thực hiện các chính sách xã hội và cứu trợ nhân đạo, hợp tác quốc tế. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 3 năm 1995, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo. 

Ngày 9/6/1998, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời.

Đến tháng 8/2001, Hội đã phát triển tổ chức tại tất cả các tỉnh, thành và quận, huyện với trên 14.000 tổ chức Hội cấp cơ sở, với hơn 7 triệu hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Trong giai đoạn này, nhiều mô hình trợ giúp nhân đạo đã được một số địa phương thực hiện có hiệu quả: “Hũ gạo tình thương”, “Mười người giúp một người”, “Liên gia làm công tác nhân đạo”, “Vì bạn nghèo”, “Tiền lẻ đẻ tiền vàng”, “Nhà nhân đạo”… Chương trình góp vốn, cho vay vốn làm kinh tế là hình thức cứu trợ xã hội bắt đầu được các cấp Hội, các nhà hảo tâm quan tâm, giúp người dân có điều kiện tự vươn lên thoát nghèo. Hoạt động đối ngoại của Hội phát triển mạnh mẽ cả hợp tác song phương và đa phương. 

Ngày 3/6/2008 Quốc hội ban hành Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Ngày 8/6/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) tiếp tục ban hành Chỉ thị 43 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần giáp dục, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chính sách xã hội của Đảng”. Việc ban hành Chỉ thị 43 một lần nữa khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với công tác nhân đạo, góp phần củng cố tổ chức Hội và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo thời gian tới.

Ngày 23/11/2011, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.

Ngày 15 - 16/8/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với chủ đề “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội”, đây là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của Hội, hướng tới mục tiêu tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo.

Năm 2021, Việt Nam và thế giới tiếp tục phải đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm. Trong bối cảnh đó, các cấp Hội đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao, nổi bật là công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các phong trào lớn của Hội như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng Nhân đạo” cũng được triển khai linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với các mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả như“Chợ Nhân đạo”.

Đặc biệt, trong cuộc chiến khốc liệt và đầy cam go với những nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ấy có những nỗ lực không ngừng nghỉ, không ngại hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ với mục tiêu hướng về cộng đồng, sát cánh cùng bà con nhân dân, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội. Với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, bằng tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã tham gia vận chuyển, hỗ trợ hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các lực lượng tuyến đầu và người dân ở khu cách ly, phong tỏa; tổ chức các Phiên chợ nhân đạo, gửi những món quà ấm lòng đợt dịch; tham gia các bếp ăn tình thương chăm lo bữa ăn cho các lực lượng trực chốt; tham gia hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vaccine. Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân tại những vùng dịch, những địa phương đang là “tâm dịch”

Trong giai đoạn tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ cần tập trung tổ chức hiệu quả các mô hình, hoạt động nhân đạo, tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị nhân đạo, đề cao niềm tin và trách nhiệm giải trình, phát huy những giá trị cốt lõi của Hội Chữ thập đỏ: Nhân đạo, vô tư, tự nguyện, chuyên nghiệp, minh bạch, thích ứng, hiệu quả, kiến tạo môi trường, truyền cảm hứng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện; phát triển mạnh mẽ lực lượng, đội hình tình nguyện viên; Xây dựng, triển khai chuyển đổi số trong hệ thống Hội để từng bước thích ứng và hội nhập công nghệ 4.0… nhằm hướng tới mục tiêu “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”.

Tròn 75 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc. Hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương của Đảng và định hướng công tác của Hội. Vai trò của tổ chức Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với với một địa chỉ nhân đạo”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, vận động hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa... Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm nay là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tự hào ôn lại bề dày truyền thống 75 năm của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó. 

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo