Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

“Nóng” về phát triển du lịch, trùng tu di tích

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, chiều ngày 10/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc

Tại phiên chất vấn, những chất vấn của các đại biểu (ĐB) tập trung vào giải pháp phát triển du lịch bền vững, ngăn chặn tình trạng các di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp; khắc phục tình trạng văn hóa lệch chuẩn…

ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) nêu thực trạng mạng xã hội hiện nay đang có nhiều nội dung, thông tin lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa, hoặc trục lợi gây ảnh hưởng đến nền tảng văn hóa. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn: Vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Trách nhiệm của Bộ VHTT-DL về xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng mạng xã hội hiện nay có tình trạng thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa. Bộ VH-TT-DL đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ trưởng đề nghị người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. “Thời gian tới, các cơ quan của bộ sẽ phối hợp với ngành liên quan tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc, lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin lệch chuẩn, phản văn hóa.” - Bộ trưởng nói.

Phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch và văn hóa đặc trưng

Về vấn đề phát triển du lịch, ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chất vấn, Bộ trưởng có giải pháp nào để phục hồi thị trường du lịch nội địa?. ĐB Đôn Tấn Phong (An Giang) cũng chất vấn, làm sao để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong đại dịch Covid-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất, hầu như phải đóng băng mọi hoạt động. Chỉ từ giữa tháng 3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu. Khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên. Thời gian qua, trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Bộ trưởng cũng thừa nhận, khách quốc tế đang là vấn đề khó khăn. Doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành. Chúng tôi hi vọng với giải pháp nêu trên, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, để hút khách du lịch quốc tế cũng như phát triển du lịch nội địa, vấn đề rất quan trọng là phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch và văn hóa đặc trưng, đặc thù, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương. Bộ đang hướng ngành du lịch, các địa phương làm tốt điều này. "Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp.” - Bộ trưởng nói; đồng thời cho biết theo kết quả Tổng cục Du lịch khảo sát, thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam.

Bức xúc tình trạng di tích bị biến dạng, được làm mới

Một số ĐB bức xúc đề nghị làm rõ về tình trạng di tích bị biến dạng, được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo; còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong khu vực nhiều di tích hiện nay tồn tại hàng quán nhếch nhác, nhưng nhiều năm qua không được xử lý.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển. Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận. Nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích, Bộ VHTT-DL đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích, tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ để phục hồi tất cả di tích. Thời gian tới, Bộ VHTT-DL sẽ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, bộ sẽ chuyển xuống các địa phương trùng tu, tôn tạo.

Cũng theo Bộ trưởng, trách nhiệm về quản lý, phân tích, xếp hạng di tích là do địa phương sở tại quản lý. Khi trùng tu, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh là lập dự án, thẩm định, thiết kế, thi công, Bộ VHTT-DL chỉ tham gia phần đầu thẩm định chung và trình cấp có thẩm quyền để thẩm định dự án. Khi được giao, các cơ quan phải thực hiện đúng phương án đã được phê chuẩn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để phát hiện việc làm sai mục đích tôn tạo, phục dựng trùng tu di tích. Bộ có trách nhiệm giám sát việc này, nếu nơi nào làm sai thì địa phương phải chịu trách nhiệm, chấn chỉnh. Bộ VHTT-DL sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT-DL, các ĐB cũng chất vấn về vấn đề văn hóa học đường; quan tâm cho phát triển văn hóa gia đình; đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo