Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Góc sẻ chia” - hiện thực hóa triết lý giáo dục nhân bản

Góc tự học - tự ăn nhẹ miễn phí trong thư viện trường

(Thanhuytphcm.vn) - Để sinh viên xa nhà đi học đại học bớt đi những khó khăn và cảm thấy ấm áp trong tập thể hàng chục ngàn người, nhiều năm qua, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM luôn có những hoạt động chăm lo cho sinh viên thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, những hoạt động đó luôn xuất phát từ đội ngũ giảng viên, nhân viên của nhà trường rồi thu hút cả các đối tác, doanh nghiệp cùng tham gia. Điều này góp phần đáng kể hiện thực hóa triết lý giáo dục nhân bản của nhà trường.

Luôn có chỗ dành cho sinh viên

Khi được hỏi, dù là sinh viên năm thứ nhất hay sắp tốt nghiệp của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, nhiều sinh viên cho biết: luôn cảm thấy tự tin, gần gũi và ấm áp với từng góc nhỏ trong ngôi trường rộng thênh thang này. Bởi ở từng góc đó, các sinh viên có thể ăn trưa, nghỉ trưa, học tập và thậm chí và làm việc kiếm tiền với các trang thiết bị, vật dụng, thực phẩm hoàn toàn miễn phí…

Đó là nhờ trong khu tự học rộng mênh mông, sạch sẽ, thoáng mát của trường, có một “Góc sẻ chia” được lập ra từ nhiều năm nay. Sinh viên có thể vào đó lấy bánh ngọt, cà phê, mì tôm, trứng… để ăn trong lúc học bài và thậm chí có thể tự lấy gạo, thực phẩm đem về nhà trọ nấu ăn. Sinh viên cũng có có thể chọn một bộ quần áo để mặc nếu cần hay mượn dài hạn 1 chiếc máy tính xách tay, xe đạp, xe máy làm phương tiện đi lại học tập… hoàn toàn miễn phí. Sinh viên thoải mái sử dụng tất cả những gì có trong góc này như trong gia đình mình. Ban đầu, “Góc sẻ chia” do các thầy cô, nhân viên trong trường lập ra để hỗ trợ sinh viên khó khăn và lâu dần dành cho tất cả sinh viên khi cần.

Sinh viên làm thêm bằng việc rửa xe ngay tại trường Sinh viên làm thêm bằng việc rửa xe ngay tại trường

Cô Nguyễn Phương Thúy, Giám đốc Trung tâm dịch vụ sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM kể, nhiều đối tác, doanh nghiệp khi đến thăm trường, thấy sự cần thiết của “Góc sẻ chia” nên sau đó cứ thỉnh thoảng lại chở đến ủng hộ vài chục thùng mì, hàng tấn gạo, hàng trăm kg rau củ, hàng ngàn quả trứng. Giảng viên và sinh viên thì cứ dư dụng cụ học tập, phương tiện đi lại nào là tự đem đến để ở đây.

“Để “Góc sẻ chia” này hoạt động thì đều từ nguồn doanh nghiệp, thầy cô, sinh viên đóng góp chứ không dùng kinh phí của nhà trường. Rất nhiều bạn đến nhận và đến cho. Nhiều bạn lặng lẽ đem cả balo đồ, có cả laptop và chỉ nhắn lại Trung tâm là các bạn học xong rồi, ra trường, không dùng nữa nên các bạn để lại. Hay xe đạp cũng vậy, cũng nhận từ thầy cô, từ các bạn sinh viên.” - Cô Nguyễn Phương Thúy chia sẻ.

Hay chính thầy hiệu trưởng đem vào đó chiếc lò vi sóng. Còn thầy cô bộ môn đem vào đó chiếc laptop, chiếc xe đạp. Các cô nhân viên góp tiền mua mì, mua bánh trái, rau củ… Còn sinh viên là người nhận và sử dụng. Mỗi tháng, giá trị các vật dụng và thực phẩm miễn phí cho sinh viên từ “Góc sẻ chia” của trường trên dưới 40 triệu đồng.

Khu võng ngủ trưa dành cho sinh viên Khu võng ngủ trưa dành cho sinh viên

Ở nhiều góc khác như: Góc nghỉ trưa, góc trà sữa… cũng vậy. Sinh viên tìm được môi trường học tập và nghỉ ngơi như ở nhà. Trong thư viện, buồng máy tính và sách vở, sinh viên có thể nằm võng hay ghế dài và có thể ăn nhẹ ngay tại quầy hàng miễn phí. Thư viện còn có phòng dành riêng cho sinh viên làm việc nhóm với phương tiện trình chiếu và kết nối trực tuyến. Nhân viên thư việc tự góp tiền chăm lo bữa ăn nhẹ cho sinh viên, tự nguyện làm thêm 30 phút cuối ngày để sinh viên có chỗ nghỉ ngơi trước khi vào ca học tối.

Chị Như Anh, nhân viên Phòng Thư viện cho biết, mọi người coi sinh viên như con mình, em mình, người nhà mình nên phục vụ, hỗ trợ chu đáo và nhẹ nhàng. “Phòng mình cố gắng duy trì góc này. Ở đây có những sinh viên nghèo, mồ côi, những bạn khó khăn đột xuất nên cố gắng chia sẻ. Của ít lòng nhiều, có khi chỉ là cà phê, mì miễn phí... coi như thêm động lực để các bạn học tập tốt hơn.” - chị Như Anh chia sẻ.

Cùng với chăm lo đời sống là tạo việc làm

Ở các thư viện của trường, ngoài máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng cho sinh viên sử dụng như máy của mình, sinh viên còn được dùng máy in, máy photo khi có nhu cầu. Tất cả máy móc do doanh nghiệp tài trợ, mực in do trường tài trợ và sinh viên khó khăn thì trường tặng cả giấy in. Đồng thời, để sinh viên có thể làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học, 5 năm qua các phòng khoa của trường không tuyển thêm nhân viên văn phòng mà nhận sinh viên làm theo giờ, làm thời vụ với thù lao 20.000 đồng/giờ. 700 giảng viên cơ hữu của trường nhận 700 sinh viên làm trợ lý giảng dạy với thù lao 30.000 đồng/giờ. Sinh viên còn có thể đăng ký làm việc tại cơ sở rửa xe, quầy bán trà sữa do Đoàn trường mở ra và hưởng lương theo sản phẩm…

Phó Bí thư Đoàn trường Phan Công Đức cho biết, phần lớn các hoạt động hỗ trợ sinh viên chủ yếu do thầy cô, nhân viên trong trường nghĩ ra và chung tay thực hiện, còn việc nào do Đoàn đề xuất thì thầy cô nhanh chóng góp ý, quyết định và tạo điều kiện cho triển khai ngay. “Tụi em không giống như làm từ thiện hay ban phát sẽ khiến cho các bạn cảm thấy tự ái hoặc không dám nhận. Ở đây, tụi em hỗ trợ các bạn về việc làm. Bạn nào có khó khăn thì cứ tìm đền Đoàn trường, sẽ được xem xét và tìm cách hỗ trợ phù hợp nhất. Và các bạn bỏ công ra làm thì nhận thành quả xứng đáng.” - Phó Bí thư Đoàn trường Phan Công Đức chia sẻ.

Sinh viên tự chọn thực phẩm, vật dụng tại “Góc sẻ chia” Sinh viên tự chọn thực phẩm, vật dụng tại “Góc sẻ chia”

Ở Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM, triết lý giáo dục nhân bản - sáng tạo - hội nhập được nêu cao, trong đó nhân bản được đặt lên hàng đầu. Giáo dục nhân bản thực chất không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà là sống với nhau tình nghĩa, sự yêu quý sinh viên như con em của mình, thể hiện ngay trong những điều nhỏ nhất được thầy cô giáo và nhà trường đang làm cho sinh viên. Mỗi ngày, hàng ngàn sinh viên trong tổng số 22.000 sinh viên của trường được học tập, nghỉ ngơi, ăn uống và làm việc trong chính khuôn viên trường mình.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Chính tình thương yêu và sự chăm sóc của nhà trường dành cho sinh viên cũng là một yếu tố thu hút sinh viên vào trường. Câu khẩu hiệu hành động là thương yêu sinh viên như con của mình. Thấu hiểu hoàn cảnh của các em, nhà trường làm mọi việc có thể để sinh viên bớt khổ, cho các em yên tâm mà phụ huynh cũng yên tâm. Đó là một triết lý và rất mừng khi triết lý đó thấm vào con tim mỗi người, tư người bảo vệ đến cán bộ của trường.”

Mỗi năm, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tuyển sinh 7.000 - 8.000 sinh viên mới, trong số đó có hàng trăm, hàng ngàn em đến từ các gia đình khó khăn, từ các vùng quê nghèo. Ngay khi vừa trúng tuyển vào trường, các em được các chuyến xe miễn phí đưa từ quê đến trường. Quỹ học bổng của trường hàng năm chi trên 30 tỷ đồng cho sinh viên khó khăn. Ở trường, các em luôn nhận được sự sẵn lòng sẻ chia, từ học bổng, chỗ ở trong ký túc xá đến các bữa ăn hàng ngày, như một điều hiển nhiên của gia đình lo cho con cái mình. Xa hơn nữa, nhà trường đang nỗ lực để có hẳn một đội ngũ đi tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tất cả đến từ tấm lòng của các thầy cô giáo.

Song Nguyên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo