Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Dân vận khéo” trong phòng, chống dịch ở TPHCM

Chốt kiểm soát “vùng xanh” trên địa bàn huyện Củ Chi.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong dịch Covid-19, TPHCM là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, phải đối mặt với nhiều đau thương, mất mát, nhất là trong các tháng 7, 8/2021. Trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ. Công tác dân vận được cả hệ thống chính trị thành phố phát huy cao độ, tăng cường tuyên truyền, vận động kịp thời thuyết phục người dân chấp hành nghiêm chỉ đạo chung không bị động, không hoang mang, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền.

Trong dịch, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các giới đồng bào, các tôn giáo, nhà hảo tâm... đóng góp sức người, sức của, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm; nhiều mô hình tốt, cách làm hay được thể hiện, nở rộ lòng nhân ái, thấm đượm tình người... trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch là vô cùng quý báu, đã góp phần quan trọng vào việc từng bước đẩy lùi dịch bệnh...

Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh, thăm chốt trực khu vực cách ly khu phố 1, Phường 15, quận Bình Thạnh. Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy Bình Thạnh, thăm chốt trực khu vực cách ly khu phố 1, Phường 15, quận Bình Thạnh.

Trong bối cảnh đó, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ dân vận đã được nêu cao. Nhiều người vừa tự bảo vệ sức khỏe bản thân vừa triển khai mọi biện pháp phù hợp, thông tin đầy đủ đến từng người dân hiểu và tự giác chấp hành các quy định phòng chống dịch, đồng thời phát hiện, đấu tranh với những thông tin sai lệch, góp phần ổn định tư tưởng trong nhân dân. Những hy sinh, cống hiến của đội ngũ làm công tác dân vận thầm lặng, cao cả, chan chứa tình đời, tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những việc làm của họ là tấm gương sáng, phản ánh sinh động truyền thống “thương người như thể thương thân”, nhân ái, nghĩa tình của dân tộc. Và chính những việc làm đó là hành động tuyên truyền hiệu quả nhất, lay động được lòng người, góp phần “dân vận khéo” trong cộng đồng xã hội để “muôn người như một”, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phòng chống dịch.

Bác Hồ đã từng dạy: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Chính phủ, đoàn thể đã giao cho”. Trong phòng, chống dịch, phong trào “Dân vận khéo” đã đi vào tận hang cùng ngõ hẻm. Những cách làm hay, mô hình tốt của nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị có hiệu quả, rộ nở như hoa mùa xuân.

Đi chợ hộ, phân phối lượng thực cho người dân của Hội L H Phụ nữ quận Bình Thạnh Đi chợ hộ, phân phối lượng thực cho người dân của Hội L H Phụ nữ quận Bình Thạnh

Cụ thể như Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM với các mô hình “Lưới an sinh”, “Tình nguyện viên chung tay phòng, chống dịch Covid-19” kịp thời nắm bắt thông tin, nguyện vọng người dân; vận động đội ngũ tình nguyện viên giao túi an sinh trực tiếp đến tay người dân, vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ cấp giấy đi đường. Liên đoàn Lao động TP có mô hình “Đội hình cán bộ công đoàn chăm lo đoàn viên, người lao động”. Thành đoàn TPHCM có mô hình “Chương trình ATM oxy - nối dài sự sống”, “Thành phố 18h”, “Chợ nghĩa tình” hỗ trợ cấp mới, đổi bình oxy, kết nối, chia sẻ, lan tỏa năng lượng tích cực trong thời gian giãn cách xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP với “Chương trình vận động các nguồn lực chăm lo hội viên, phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, “Bếp nhỏ hội em” kết nối, phối hợp với các nhà hảo tâm triển khai các chương trình hỗ trợ, chăm lo hội viên, phụ nữ, trẻ em khó khăn với những hoạt động “bếp ăn nghĩa tình”, “tủ bánh mì nghĩa tình”, “cơm chay 0 đồng”. Hội Cựu chiến binh với mô hình “Hội Cựu chiến binh tham gia tổ y tế cộng đồng”, “Tuyên truyền “1+2, 1+3, 1+4” (1 hội viên CCB phụ trách 1, 2, 3, 4 gia đình trong tổ dân phố, khu phố), huy động đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, lái xe cứu thương... trong quân đội đã nghỉ hưu tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hội Chữ thập đỏ với mô hình “Chuyến xe nghĩa tình chữ thập đỏ”, “Giọt máu vàng” vận chuyển vật tư y tế, nông sản, vận chuyển các suất ăn cho tuyến đầu chống dịch; phục vụ hoạt động hiến máu tình nguyện trong thời gian giãn cách xã hội...

Tại các quận huyện và TP Thủ Đức có nhiều mô hình hiệu quả trong quản lý, điều trị F0, xây dựng tổ dân phố, khu phố an toàn, xây dựng lực lượng xung kích, đội phản ứng nhanh chống dịch.. Chẳng hạn, mô hình “Thăm từng nhà, chăm từng người” (Quận 1),“Đi chợ giúp dân” (Quận 3, quận Bình Thạnh), Chương trình ATM gạo nghĩa tình, gian hàng chia sẻ yêu thương” (Quận 4), “Siêu thị dã chiến” (quận 5), “Thanh niên tình nguyện freeship - 24 giờ” (Quận 6), xe phun khử khuẩn lưu động (quận Phú Nhuận), đội tình nguyện liên kết, vận động tổ chức, cá nhân đỡ đầu cho trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 (Quận 11), “Chủ động các giải pháp thu dung, cách lý F1 và điều trị F0” (Thủ Đức)... được triển khai đồng thời, đồng bộ đáp ứng những tình huống, hoàn cảnh cụ thể đặt ra.

MTTQ quận Bình Thạnh tôn vinh mạnh thường quân hỗ trợ người dân chống dịch. MTTQ quận Bình Thạnh tôn vinh mạnh thường quân hỗ trợ người dân chống dịch.

Cũng từ trong thực tiễn chống dịch, nhiều tấm gương “dân vận khéo”, người tốt, việc tốt nở rộ hơn bao giờ hết. Đó là tập thể cán bộ y tế của nhiều bệnh viện sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, nhiều tháng không về nhà. Có nhiều y bác sĩ chưa chịu về nhà mặc dù đã kết thúc thời gian công tác. Nhiều người dân, với tấm lòng thơm thảo, thấy tổ công tác trực chốt đêm ngày vất vả đã tự nấu món ăn bồi dưỡng dân phòng, quân đội, công an. Những chùa, nhà thờ, cơ sở thờ tự trong các tôn giáo tự nấu các suất ăn đem đến từng khu phong tỏa, cách ly hỗ trợ người dân; các chàng “lính trẻ măng tơ” rụt rè, lúng túng khi “đi chợ giúp dân”...

Có thể nhận thấy, trong quá trình phòng, chống dịch, phong trào “Dân vận khéo” như suối nguồn, trăm sông đổ về biển cả. Đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức sống vì cộng đồng, vì mọi người của toàn dân. Cũng từ đó, có thể khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, công tác dân vận luôn được xem là khâu then chốt để tăng cường mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đó cũng chính là chúng ta đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Hoài Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo