Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Một số biện pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 1998 – 2000

Kính thưa:

- Đoàn Chủ tịch, thưa Quý đại biểu

- Kính thưa Đại hội

Trong quá trình chuẩn bị nội dung văn kiện Đại hội và xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quận trong giai đoạn 1998 – 2000. Tiểu ban soạn thảo đã cố gắng bám sát thực trạng về điều kiện phát triển của Quận, những dự thảo về định hướng phát triển của thành phố, cùng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện hành để xác định các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2000.

Điều đáng phấn khởi là qua quá trình thảo luận và góp ý kiến ở cơ sở, các đại biểu đã thống nhất về cơ bản với phương hướng và mục tiêu đã trình bày, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ nhằm xây dựng Quận 9 ngày càng ổn định và phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu cũng quan tâm đến các giải pháp và cơ sở để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu trên nhằm đảm bảo việc thực hiện đạt kết quả tốt.

Được sự cho phép của Đại hội để có cơ sở giải trình thêm về một số biện pháp chủ yếu nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Trước tiên, tôi xin trình bày:

* Về định hướng quy hoạch và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quận từ nay đến năm 2000 và 2010:

Theo định hướng phát triển của thành phố, thì Quận 9 được xác định là Quận đô thị sinh thái, tập trung phát triển các hoạt động dịch vụ văn hóa, du lịch, nghỉ ngơi giải trí cấp quốc gia và cấp thành phố. Do đó, trong hiện tại cũng như trong thời gian tới phần lớn đất sản xuất nông nghiệp hiện nay sẽ bị giảm nhanh để triển khai xây dựng các công trình lịch sử văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí, các khu dân cư mới, khu công nghiệp kỹ thuật cao. Đến năm 2000 diện tích lúa nước sẽ giảm 46,7% (từ 4.878ha năm 1997 còn 2.600ha vào năm 2000). Đất cây xanh du lịch sẽ tăng 275% (từ 320ha (1997) lên 1.200ha vào năm 2000). Đất công nghiệp cũng sẽ tăng 136,5% (từ 293ha (1997) lên 693ha vào năm 2000). Đất thổ cư tăng 65%. Riêng về cơ cấu kinh tế theo giá trị tổng sản lượng thì hiện tại năm 1997 ngành nông nghiệp đạt 50,545 tỷ, chiếm 11,3% tổng sản lượng của Quận. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 156,325 tỷ chiếm tỷ lệ 35%, thương mại – dịch vụ đạt 239,147 tỷ, chiếm tỷ lệ 53,6% tổng sản phẩm. Do đó, hiện tại, căn cứ theo giá trị tổng sản lượng thì ngành thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất (53,6%) và ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp nhất (11,3%). Và theo định hướng phát triển trong thời gian tới với tỷ lệ phát triển theo dự kiến đã trình bày trong văn kiện, thì đến năm 2000, ngành nông nghiệp tuy không giảm về giá trị, nhưng giảm về cơ cấu tỷ lệ từ 11,3% xuống còn 8,12%, ngành thương mại – dịch vụ tăng lên 57,42%, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 34,45%. Với tỷ lệ theo cơ cấu giá trị tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn như vậy, đòi hỏi chúng ta phải xác định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quận đến năm 2000 là dịch vụ - du lịch – công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp. Việc xác định cơ cấu như trên là xuất phát từ tình hình khách quan và định hướng quy hoạch phát triển của thành phố.

Sau đây là các giải pháp trên lĩnh vực kinh tế và xã hội:

I. TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Về thương mại – dịch vụ – du lịch:

a) Các chỉ tiêu:

- Tốc độ tăng bình quân hàng năm của ngành là 20%.

- Phấn đấn đến năm 2000, ngành dịch vụ và du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Quận.

b) Các biện pháp chủ yếu:

- Quy hoạch và phát triển các loại hình thương mại:

Hiện nay, hoạt động của ngành Thương mại trên địa bàn chiếm tỷ trọng cao, nhưng phần lớn là kinh doanh bán lẻ, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong khu vực, trong khi kinh doanh bán buôn ít vì không có các chợ đầu mối và các công ty thương mại lớn. Do đó, cần phải tiến hành quy hoạch phát triển các loại hình thương mại trên địa bàn để đảm bảo cho ngành Thương mại phát triển đúng hướng và đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Trước mắt, tiến hành việc quy hoạch xây dựng chợ trên các địa bàn dân cư,  đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa ở các khu dân cư mới, xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị tại các khu trung tâm Quận, Ngã tư Xa lộ, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Phước Long...

Củng cố khối thương nghiệp Nhà nước của Quận, tăng cường hiệu quả hoạt động và góp phần điều tiết thị trường, ổn định giá cả. Quận sẽ tạo điều kiện cho khối thương nghiệp Nhà nước mở rộng các điểm bán tại các phường, các khu dân cư và đặc biệt là khuyến khích mở rộng các loại hình bán buôn các mặt hàng chiến lược như: xi măng, sắt, thép, vật liệu xây dựng...

- Tạo điều kiện và khuyến khích hình thành các loại hình cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhân dân như:

+ Giao thông vận tải để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa và giao thông công cộng, dự kiến sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy từ cầu Rạch Chiếc đến rạch Trao Trảo, rạch Ông Nhiêu và sông Tắc phục vụ cho vận chuyển hàng hóa, hành khách và du lịch.

+ Dịch vụ xây dựng, vệ sinh đô thị.

+ Dịch vụ tài chính – tín dụng, hình thành tín dụng nhân dân.

+ Dịch vụ bưu chính – viễn thông.

+ Dịch vụ nông nghiệp: Cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các loại hình dịch vụ khác nhằm phục vụ cho đời sống của một bộ phận nhân dân ở khu vực nông thôn.

+ Dịch vụ đào tạo – dạy nghề và cung ứng lao động: Thành lập Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giới thiệu và Xúc tiến việc làm để phục vụ cho quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Ngoài ra, Quận còn hình thành các loại dịch vụ mới như: Dịch vụ Cảng sông để khai thác lợi thế về đường thủy, dịch vụ kho tàng bến bãi để khai thác lợi thế về tuyến đường bộ quan trọng đi qua địa bàn trong thời gian tới.

- Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch nhằm khai thác các tiềm năng về cảnh quan sông nước kết hợp với quần thể di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Quận:

Một số loại hình du lịch cần phát triển là:

+ Du lịch sinh thái: Với tiềm năng du lịch sẵn có, đặc biệt là với diện tích rộng, có nhiều vườn cây và một hệ thống sông rạch chằng chịt sẽ là tiềm năng rất lớn để thu hút khách du lịch trong thời gian tới, nhất là cù lao Long Phước, cù lao Bà Sang, dọc sông Đồng Nai, ven sông Tắc...

+ Dịch vụ du lịch: Để phục vụ cho khách du lịch cần phải đầu tư xây dựng các loại hình dịch vụ du lịch như: Nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí, các loại hình này sẽ vừa đảm bảo phục vụ đầy đủ các yêu cầu của du khách, vừa tăng cao hiệu quả kinh tế của ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tham gia. Đặc biệt là các hộ kinh tế vườn.

+ Dịch vụ tham quan: Cần phải đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng như: đình Phong Phú, chùa Hội Sơn, Bia căm thù Bến Nọc, bót Dây Thép, Tượng đài Cánh Nam và một số căn cứ ở vùng bưng 6 xã, kết hợp với các cảnh quan thiên nhiên, khu vườn Cò, tạo thành các điểm tham quan cho du khách.

+ Dịch vụ văn hóa, vui chơi và giải trí: Khuyến khích việc đầu tư nâng cấp và mở rộng các khu vui chơi, giải trí hiện có như: Khu du lịch Suối Tiên, Khu sân Golf – Lâm Viên, xây dựng các khu vui chơi, giải trí cấp Quận, đồng thời đề xuất với thành phố, sớm triển khai các công trình đã được quy hoạch như: Công viên Văn hóa Lịch sử Dân tộc, khu Thảo Cầm Viên (mới), khu sinh hoạt dã ngoại của thanh niên thành phố.

+ Dịch vụ kinh doanh hàng lưu niệm: Khuyến khích mở các điểm trưng bày và bán các sản phẩm hội họa, điêu khắc, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm có chất lượng cao và giá cả phù hợp. Quy hoạch các khu nghề truyền thồng như: trồng cây cảnh, tranh sơn mài, gốm, điêu khắc để phục vụ khách tham quan du lịch. Tiến hành hợp tác chặt chẽ với các Quận nội thành và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để tạo nhiều hơn nữa các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, thông qua các tuyến điểm du lịch liên vùng.

2. Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp:

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành là 14 – 15%, Quận sẽ tiến hành nhanh thủ tục quy hoạch khu công nghiệp địa phương ở các phường Phú Hữu nhằm thu hút các đơn vị sản xuất đầu tư vào khu vực này từ 15 – 20 đơn vị thuộc các ngành cơ khí, hàng hải, chế biến thực phẩm, cảng, kho tàng...

Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục cấp phép để thu hút nhiều đơn vị từ nội thành ra hoặc từ nơi khác đến đầu tư vào các cơ sở sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư, khu công nghiệp Phước Long – Tăng Nhơn Phú B. Tiến hành cổ phần hóa  Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Cây trồng để tạo điều kiện phát triển nguồn vốn và mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tiến hành củng cố, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước cấp Quận cho phù hợp nhằm phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 Cải tiến công tác quản lý Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động của các doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng, đúng quy hoạch và đúng pháp luật. Trong khi chờ thành phố triển khai xây dựng khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Quận có chủ trương cấp phép tạm thời từ 06 tháng đến 01 năm cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn này nhằm đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh.

3. Về sản xuất nông nghiệp:

Trong điều kiện diện tích sản xuất nông nghiệp giảm, nhưng giá trị sản lượng lại tăng bình quân hàng năm từ 1 – 2%, do đó cần phải có biện pháp chọn những giống cây trồng – vật nuôi có giá trị và chất lượng cao để tăng hiệu quả cho quá trình sản xuất. Có chính sách khuyến khích hoặc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và cung cấp các loại cây giống, con giống cho người nông dân. Chú trọng các loại sau đây:

- Giống lúa: tập trung chọn giống lúa thơm, đặc sản.

- Giống cây ăn trái: tập trung chọn giống sầu riêng hạt lép, nhãn tiêu, bưởi 5 roi, cam sành, xoài cát Hòa Lộc...

- Gà thịt: chọn giống gà lai thả vườn

- Heo: các giống heo hướng nạc

- Thủy sản: chọn giống tôm càng xanh

- Tập trung đầu tư và chọn giống bò sữa cho năng suất cao tiến tới cung cấp giống tốt cho nông dân.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, hàng năm ngân sách cấp từ 100 – 150 triệu, vận động các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế có nguồn kinh phí hoạt động, vừa phát triển kinh tế, vừa kích thích người dân ham học hỏi và đầu tư cho sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xử lý và ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp bỏ đất hoang hoặc sang nhượng đất trái phép. Tạo điều kiện cho phép người dân được chuyển đổi cây trồng theo các vùng đã quy hoạch và có chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp trong những năm đầu mới đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn ngân hàng, vốn tín dụng, đẩy nhanh tốc độ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho nông dân. Kiến nghị thành phố cho phép thí điểm hình thành các nông trang trại với quy mô tích tụ đất từ 03 – 10ha để hình thành một đội ngũ công nhân nông nghiệp có chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, muốn vậy phải kiến nghị Nhà nước sớm ban hành thủ tục chuyển quyền sử dụng đất để ngành có điều kiện đi vào đầu tư. Trước mắt có thể chọn một số khu vực ở phía Nam Long Phước. Hiện nay, nếu tính toán hiệu quả giữa sản xuất lúa và trồng cây ăn trái thì chúng ta thấy rằng: Nếu sản xuất lúa 2 vụ/năm, sản lượng đạt 07 – 08 tấn/ha/năm, lãi ròng 20% và lượng thóc tương ứng 1.400kg – 1.600kg/ha/năm tương đương số tiền 2,5 triệu – 03 triệu. Trong khi đó, nếu trồng cây ăn trái, tùy loại cây thì thu nhập thấp nhất là 06 triệu – 08 triệu/ha/năm (xoài và cao nhất là 12 – 15 triệu/ha/năm (sầu riêng). Như vậy, sản xuất cây ăn trái đạt hiệu quả cao hơn lúa từ 03 – 05 lần. Do đó, trong cơ cấu ngành nông nghiệp thì diện tích trồng lúa giảm 46,7%, trong khi đó diện tích trồng cây ăn trái tăng 47,33%.

Về chăn nuôi, hiện nay đang gặp khó khăn do giá cả tiêu thụ không ổn định. Tới đây Quận sẽ kiến nghị với thành phố chỉ định các đơn vị có chức năng tiêu thụ phải ký hợp đồng thu mua ổn định đối với người chăn nuôi.

4. Về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

Để đảm bảo cho sự phát triển của Quận, thì nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn và không thể thiếu được, dự kiến khoảng 300 tỷ (bình quân mỗi năm là 100 tỷ), trong đó ngân sách Nhà nước chỉ cân đối từ 30 – 40% (100 – 120 tỷ), vốn ngành 10 – 15% (30 – 45 tỷ). Trong đó, ngành điện 15 tỷ, ngành nước 5 tỷ, bưu điện 15 tỷ và các ngành khác 10 tỷ. Vốn huy động từ 15 – 20% (45 – 60 tỷ) và nguồn khác từ tiền sử dụng đất xin thành phố để lại đầu tư cơ sở hạ tầng là 30 – 40% (100 – 120 tỷ) tương đương 40ha.

Về cơ chế xin duyệt vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Quận sẽ kiến nghị thành phố trên cơ sở đề nghị nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Quận trình thành phố phê duyệt, thành phố sẽ có văn bản trả lời chính thức khả năng cân đối của thành phố cho Quận bao nhiêu công trình, các công trình còn lại qUận sẽ chủ động tìm nguồn và trình thành phố giải quyết. Chỉ có phương thức đó thì mới đáp ứng được nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng hiện nay của quận.

II. VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Về giáo dục – đào tạo:

- Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường lớp trên địa bàn Quận, phấn đấu mỗi phường đều có trường Mẫu giáo, Nhà trẻ, Tiểu học, Trung học Cơ sở. Toàn Quận có 3 trường Phổ thông Trung học (tĂng Nhơn Phú A, Phước Long B, Trường Thạnh), xây dựng các Trung tâm Bồi dưỡng Giáo dục, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp Thực hành, Trung tâm Dạy nghề.

- Tập trung chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để tiến hành tốt chương trình phổ cập giáo dục cấp 2 trên địa bàn.

- Có chính sách thu hút giáo viên từ nơi khác đến giảng dạy và ưu tiên khuyến khích con em ở địa phương đi học ngành Sư phạm để về phục vụ Quận nhà. Quận sẽ nghiên cứu chính sách ưu tiên giải quyết nhu cầu về nhà ở, điều kiện sinh hoạt cho giáo viên từ nội thành ra. Có chính sách hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng Long Phước, cù lao Bà Sang. Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho học sinh là con em gia đình chính sách, gia đình ở những vùng xa như: Long Phước, Long Bình, Long Trường tình nguyện đi học ngành Sư phạm để về phục vụ cho địa phương.

2. Về y tế:

Nâng cao chất lượng phòng bệnh và khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt chú trọng phát triển mô hình y tế cộng đồng, bác sĩ cộng đồng như một số nơi đã làm rất có hiệu quả.

Phấn đấu xây dựng một Trung tâm Y tế Quận và tranh thủ nguồn vốn của thành phố xây dựng một bệnh viện quy mô từ 200 – 300 giường.

Xây dựng mới 3 Trạm Y tế của 3 phường mới và chú ý đầu tư thêm trang thiết bị cho Trạm Y tế đủ sức phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.

3. Về văn hóa – thể dục thể thao:

Phấn đấu hình thành các Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao để có nơi hoạt động, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa và rèn luyện sức khỏe. Dự kiến trước mắt trong năm 1998 sẽ xây dựng Trung tâm Thể dục Thể thao tại sân vận động Tăng Nhơn Phú A, xây dựng Trung tâm Văn hóa khu văn hóa Hiệp Phú. Còn về lâu dài sẽ hình thành Trung tâm Văn hóa – Thể dục Thể thao tại khu trung tâm hành chính của Quận với quy mô từ 06 – 10ha. Song song đó, giải quyết triệt để các tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh và văn minh, phát huy được các truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 87, 88 và Chỉ thị 814 của Thủ tướng Chính phủ về bài trừ một số tệ nạn xã hội và xây dựng nền văn hóa cách mạng lành mạnh.

4. Về chính sách xã hội:

a) Chương trình nhà tình nghĩa: Tuy đã cơ bản hoàn thành các đối tượng theo quy định, nhưng trong thời gian tới phải tiếp tục xem xét số đối tượng đã giải quyết những đợt đầu đến nay đã hư hỏng nặng cần sửa chữa hoặc xây dựng mới và mở rộng đối tượng chính sách khác có hoàn cảnh khó khăn thật sự về nhà ở. Với chỉ tiêu mỗi năm 30 căn, chủ yếu là tổ chức vận động các đơn vị kinh tế và các đơn vị có nhu cầu đầu tư trên địa bàn. Tiếp tục vận động ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho diện nghèo.

Hàng năm Quận trích ngân sách từ 100 – 200 triệu và vận động nhân dân đóng góp vào quỹ bảo trợ chính sách.

b) Chương trình giải quyết nhà ở: Trên cơ sở quy hoạch các khu dân cư tập trung, hàng năm Quận phấn đấu giải quyết nhu cầu giao đất cất nhà sau khi đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời kêu gọi các đơn vị đầu tư chỉnh trang đô thị và xây dựng khoảng 200 căn hộ để bán cho các tầng lớp nhân dân có nhu cầu. Đặc biệt là phục vụ chương trình giãn dân từ nội thành ra, đồng thời xây dựng các khu nhà cho thuê để giải quyết nhu cầu của người lao động ở các doanh nghiệp và các hộ dân nhập cư. Đẩy mạnh tốc độ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, phấn đấu đạt từ 150 – 200 căn mỗi năm.

c) Chương trình xóa đói giảm nghèo: Tiếp tục quan tâm phát triển nguồn vốn cho chương trình để nâng quỹ tăng lên gấp 1,5 lần hiện nay. Hàng năm, Quận sẽ trích từ nguồn tiết kiệm ngân sách 5% để điều tiết sang từ 200 – 300 triệu và vận động thêm 200 – 300 triệu để đến năm 2000 nâng nguồn quỹ lên từ 04 – 04,5 tỷ đồng.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trên đây là một số giải pháp cơ bản được bổ sung them, nhằm làm cơ sở để đại biểu xem xét và quyết định các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 3 năm (1998 – 2000) mà Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Quận trình ra Đại hội hôm nay. Trong quá trình thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ủy ban Nhân dân Quận sẽ chỉ đạo từng ngành, từng địa phương, đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để phổ biến và giải thích vận động trong nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất và quyết tâm cao, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Đại hội đã đề ra, góp phần xây dựng Quận 9 thành Quận đô thị sinh thái, phục vụ cho sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VI (1996 – 2000).

Xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu.

            TM. ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 9

Thông báo