Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Giới thiệu quận 11

Tên cấp ủy: Quận ủy Quận 11

Địa chỉ: 268 Bình Thới, Phường 10, Quận 11

Điện thoại: 39633427

Bí thư: Trương Quốc Lâm

Phó Bí thư Thường trực: Trần Hải Yến 

Chủ tịch UBND: Nguyễn Trần Bình

Chánh VP: Tô Thị Thanh Thúy


Quận 11 nằm về phía Tây – Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây là một quận ven nhưng lại có đặc điểm đô thị hóa nhanh. Trên cùng địa bàn ở những khu vực khác nhau do lịch sử hình thành về số lượng dân cư, ngành nghề, tộc người khác nhau, điều đó đã tạo thành nét đa dạng, phong phú và phức tạp trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của quận qua các thời kỳ.

Trước ngày 30/04/1975, chính quyền Sài Gòn chia quận 11 thành 06 phường : Cầu Tre, Bình Thạnh, Bình Thới, Phú Thọ, Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa và 47 Khóm , có khoảng 41 con đường, 578 con hẻm lớn nhỏ.

Sau Bầu cử Quốc Hội cả nước năm 1976, quận 11 được chia lại thành 21 Phường. Dân số khoảng 204.897 người ( mật độ trung bình 40.979 người/km2), đồng bào Hoa chiếm tỉ lệ 51,16% dân số.

Tìm lại dấu vết xưa, dưới Triều Nguyễn vùng đất quận 11 nắm ở giữa ranh giới huyện Tân Long (vùng Chợ Lớn) và huyện Bình Dương (vùng Bến Nghé, thuộc phủ Tân Bình, trấn Phiên An vào đầu thế kỷ thứ 18, trong đó các thôn Tân Hóa, Minh Phụng (một phần thôn Phú Lâm cũ), Phú Giáo (Tân Long và xã Phú Mỹ Thọ (huyện Bình Dương). Một số dấu tích văn hóa xưa như : chùa Giác Lâm (1744); chùa Giác Viên (1803) chù Gò Phụng Sơn; chùa Gò Mai (1816); một số dấu tích xã thôn, đình làng người Việt xưa như : Đình Bình Thới; Đình Cầu Tre; Đình Minh Phụng, Đình Phú Giáo …

Vào những năm 1958, quận 11 thuộc một phần đất có tên gọi là liên quận III hay Công ty III (trước 1958 quận 11 thuộc địa phận của quận 4 và quận 7). Đến 1959, quận 11 thuộc về phần đất của quận 5 và 6. Ngày 23-7-1969 chính quyền Saigon đã chính thức ra sắc lệnh 073 thành lập Quận 11. Quận 11 được kết thành bởi những phần đất của quận 5, 6, trong đó 92.036 người thuộc quận 5 và 163.250 người thuộc quận 6. Quận lúc đó có 6 Phường : phường Cầu Tre, Phú Thọ, Bình Thới, Phú Thạnh, Bình Thạnh, Phú Hòa. Có 78 ngôi chùa, 04 nhà thờ xứ đạo .

Nhân dân Quận 11 có truyền thống đấu tranh cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, cần cù và sáng tạo. Trên mảnh đất nhỏ bé với khoảng hơn 5km2 này trong những năm kháng chiến chống thực dân đế quốc đã hình thành nên những căn cứ địa kháng chiến, cơ sở sở cách mạng như địa danh Đồn Cây Mai, Trường đua Phú Thọ, Chợ Thiếc, Cầu tre, Bình Thới, Chùa Gò … và đặc biệt nơi đây năm 1937 đã hình thành những chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng từ đây đông đảo các tầng lớp nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc đã liên tục giành được những thắng lợi lớn góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước .

Vào những năm 1936 trên vùng đất Quận 11 ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phong trào quần chúng đấu tranh chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp đòi quyền tự do dân sinh, dân chủ đã qui tụ hàng ngàn người tham gia. Các tổ chức quần chúng lần lượt ra đời như : Hội tương tế, hội thợ bạc, hội thợ giày. Trước tình hình chính trị và phong trào đấu tranh khá sôi động của quần chúng, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định đãquyết định thành lập chi bộ Đảng gọi là Chi bộ vùng Trường đua Phú Thọ. Từ đây các phong trào đấu tranh dưới nhiều hình thức của quần chúng phát triển sôi nổi, mạnh mẽ như đòi tự do dân sinh dân chủ, tự do hội họp, tự do lập các nghiệp đoàn tương tế, đưa ra các yêu sách đòi cải thiện đời sống công nhân, xóa thuế thân, chống khủng bố đàn áp … cũng từ đây một số tổ chức quần chúng tiêu biểu xuất hiện như Hội tương tế, Hội thợ giày Hội thợ bạc, Hội Aùi Hữu, Hội hợp tác cần xé … với sự tham gia của hàng ngàn hội viên, cũng đồng thời đã hình thành thêm một số chi bộ Đảng để lãnh đạo quần chúng nhân dân.

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách, có tổn thất về sức người sức của nhưng tổ chức Đảng ở trên địa bàn quận 11 có từ những năm 1936 – 1937 vẫn được duy trì để lãnh đạo quần chúng nhân dân cùng với nhân dân thành phố và cả nước thực hiện cuộc trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nên mùa Xuân 30/4/1975 toàn thắng.

Từ sau ngày 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân Quận 11 đã hăng hái bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.

Hai năm đầu sau giải phóng (30/4/1975 - 7/1977) là giai đoạn xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Trong niềm vui được sống trong không khí hòa bình, đất nước thống nhất nhưng phải đương đầu với nhiều khó khăn phức tạp của thời kỳ chuyển tiếp của cách mạng : có những khó khăn do mới tiếp quản địa phương, có những khó khăn do hậu quả của chế độ cũ để lại rất nặng nề phải có thời gian mới giải quyết được, có những khó khăn do sự chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử chống đối chưa chịu ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng … Trong bối cảnh đó dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Quận, chính quyền cách mạng ở cơ sở đã sớm được thành lập để quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Chính quyền đã tập trung cho 3 nhiệm vụ công tác lớn : xây dựng củng cố chính quyền cách mạng ; tập trung cứu đói cho dân và khôi phục phát triển sản xuất; bảo vệ trật tự trị an, truy quét tàn quân dịch. Thời kỳ chuyển tiếp trong đó có thời kỳ quân quản tuy ngắn ngủi nhưng chính quyền cách mạng đã làm được khá nhiều việc lo cho dân, sớm khôi phục và ổn định tình hình mọi mặt của địa phương sau chiến tranh nhất là giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Đó là những kết quả nổi bật của những năm đầu giải phóng, là tiền đề quan trọng để xây dựng phát triển Quận trong những năm tiếp theo.

Những năm 1977 - 1985 với 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Quận từ khóa I đến khóa III. Đây là giai đoạn tình hình đất nước và Thành phố có nhiều khó khăn phức tạp do phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Bắc và phía Tây Nam Tổ quốc, rồi vụ " nạn kiều " xảy ra vào năm 1978 trong lúc nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó Đảng bộ và chính quyền Quận đã cùng Thành phố và cả nước động viên, huy động sức người sức của bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đề ra những biện pháp, giải pháp khá hữu hiệu để ổn định tình hình, không để ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, đời sống và an ninh trật tự trong Quận.

Giai đoạn 1986 - 2000 với 5 kỳ Đại hội, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới theo tinh thần của các Nghị quyết Đại hội VI, VII, VIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ Quận các khoá IV, V, VI, VII, VIII đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố vào hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương. Nhờ ánh sáng của đường lối đổi mới, sự lãnh đạo năng động của Thành ủy và sự vận dụng có kết quả của Quận nên tình hình các mặt của Quận trong 15 năm đổi mới ngày càng thu được nhiều thành tựu quan trọng:

Trên lĩnh vực kinh tế: Quận đã tạo mọi điều kiện để khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế hướng vào khai thác phát huy các tiềm năng thế mạnh của Quận như tay nghề, kinh nghiệm, vốn liếng trong nhân dân nhất là trong đồng bào người Hoa sinh sống trong Quận (kể cả vận động những gia đình có thân nhân ở nước ngoài gởi vốn về nước giúp gia đình phát triển kinh tế). Với chủ trương và chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là từ khi có luật doanh nghiệp tư nhân, luật công ty, luật khuyến khích đầu tư trong nước … hàng trăm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân và hàng ngàn cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã lần lượt được cấp phép hoạt động. Sự phát triển nhanh chóng của các thành phần kinh tế, đáng kể nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có khá nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh với qui mô tương đối lớn ( mỗi cơ sở có vài trăm công nhân lao động trở lên ) và có không ít cơ sở sản xuất đã đầu tư máy móc thiết bị khá hiện đại, sản xuất ra nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đã nhanh chóng tạo bộ mặt mới về kinh tế của Quận, góp phần giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục nhiều năm, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương và từng bước nâng cao mức sống của người dân .

Lĩnh vực văn hóa - xã hội: cùng với đầu tư phát triển kinh tế, Đảng bộ Quận luôn quan tâm lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, Quận đã đề ra nhiều chương trình, giải pháp để thực hiện. Nhờ huy động được sức mạnh toàn dân chăm lo cho sự nghiệp văn hóa - xã hội nên đã xuất hiện nhiều phong trào và các cuộc vận động có ý nghĩa chính trị sâu rộng, trong đó nổi bật nhất là các phong trào: " đền ơn đáp nghĩa " ," xóa đói giảm nghèo " , " xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương ", cuộc vận động " Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư " … đã thiết thực chăm lo cuộc sống nhân dân lao động nghèo, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào trên đã có tác động lớn đến từng người, từng gia đình, cơ quan, đơn vị, khơi dậy truyền thống đạo lý " uống nước nhớ nguồn", tương thân tương ái của người Việt Nam; đồng thời thúc đẩy thực hiện có kết quả nhiều chương trình mục tiêu của Quận như: đến năm 2000 toàn Quận đãhoàn thành xóa hộ đói, giảm đáng kể số hộ nghèo; hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở ; cơ bản hoàn thành nhựa hóa - xi măng hóa các đường hẻm ; bộ mặt phố phường được nâng cấp và có nhiều đổi mới ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện nâng cao.

Như vậy với 3 giai đoạn phát triển (1975-1977), (1977 -1985), (1986 - 2000) đời sống kinh tế - xã hội của Quận 11 đã có 25 năm chuyển biến toàn diện. Từ một Quận nghèo, vùng ven Thành phố, nhiều hộ dân sống bằng nghề sản xuất Tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xãhội thấp kém, trình độ dân trí thấp, nhiều người dân chưa biết chữ, tình hình an ninh - trật tự xã hội còn nhiều phức tạp. Ngày nay Quận 11 đã trở thành một trong những Quận có giá trị sản lượng lớn về sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp của Thành phố; bộ mặt phố phường có nhiều đổi mới, nhiều khu nhà ở khang trang được xây dựng thay thế dần những khu nhà lụp xụp; nhiều công trình kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng được cải thiện của nhân dân trong Quận. Trong số các công trình tiêu biểu được xây dựng mới có khu giáo dục Lãnh Binh Thăng ( bao gồm Trường Mầm non Quận, Trường THCS Chu văn An chất lượng cao, Trường tiểu học Lạc Long Quân và trường THPT Nguyễn Hiền đạt chuẩn quốc gia ), Trung tâm Y tế, Trung tâm TDTT Lãnh Binh Thăng, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên và công viên văn hóa Đầm Sen - một công viên văn hóa lớn được xem như là một trong những công viên tiêu biểu của thời kỳ đổi mới vừa mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, vừa mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Rồi đây khu Trường đua Phú Thọ với các công trình thể thao qui mô lớn, các Trung tâm thương mại - dịch vụ sầm uất, các khu chung cư cao tầng hiện đại sẽ lần lượt được xây dựng thay thế các khu nhà ổ chuột xung quanh khu vực Trường đua. Cùng với việc xây dựng mới và chỉnh trang các khu dân cư khác trong một thời gian không xa, chắc chắn sẽ làm thay đổi hẳn diện mạo của Quận để Quận 11 cùng sánh vai với các quận bạn góp phần xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh - hiện đại.

Bước vào thế kỷ mới - Thế kỷ 21 với hành trang của một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, đặc biệt là với kết quả của những năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ và nhân dân Quận 11 đã được Đảng - Nhà nước tặng thưởng, nhiều phần thưởng cao quý : 1 đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, 24 huân chương lao động các loại trong đó có 2 huân chương lao động hạng nhất ; 8 huân chương lao động hạng nhì; 14 huân chương lao động hạng ba, 39 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 chiến sĩ thi đua toàn quốc … càng thêm tin tưởng ở sức mình sẽ xây dựng Quận 11 thành một địa phương phát triển của Thành phố mang tên Bác. Đó cũng chính là ý Đảng - lòng dân Quận 11 hướng tới tương lai.

Thông báo